Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về thiết kế và kiểm thử vi mạch 2025

Từ ngày 16 đến 17/6, Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về Thiết kế và Kiểm thử vi mạch (The 10th International Conference on Integrated Circuits, Design and Verification – ICDV) đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế ICDV 2025 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM – nơi quy tụ giới nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực vi mạch – bán dẫn.

Sự kiện do IEEE CAS Viet Nam Chapter tổ chức, phối hợp đồng tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Viện Công nghệ Thông tin,ĐHQG Hà Nội; với sự tài trợ kỹ thuật từ IEEE SSCS Viet Nam và IEICE Viet Nam Section (Nhật Bản).

Hội nghị năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình 10 năm phát triển của ICDV – từ một hội thảo chuyên đề đến mạng lưới học thuật quốc tế uy tín. Kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2010 tại TP.HCM, ICDV đã từng bước trở thành diễn đàn học thuật thường niên, kết nối giới nghiên cứu, giảng viên, doanh nghiệp và sinh viên trong lĩnh vực vi mạch, đóng vai trò thúc đẩy đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên khẳng định: “Trường Đại học Khoa học tự nhiên đăng cai tổ chức ICDV lần thứ ba thể hiện rõ cam kết đồng hành lâu dài của Nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch – lĩnh vực then chốt trong chiến lược phát triển công nghệ quốc gia.”

PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM – phát biểu khai mạc

GS.TS Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội đã điểm lại hành trình phát triển của ICDV, đồng thời nhấn mạnh vai trò của sự kiện như một cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng nghiên cứu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch – bán dẫn.

ICDV 2025 trình bày 25 bài nghiên cứu được tuyển chọn từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Các chủ đề thảo luận tại hội nghị bao phủ các lĩnh vực then chốt trong thiết kế và ứng dụng vi mạch như: lõi tăng tốc phần cứng cho AI, mật mã hóa và bảo mật thông tin trên chip, vi mạch tương tự và tín hiệu hỗn hợp, vi mạch số, FPGA và hệ thống nhúng, truyền thông và các mạch điện cao tần.

Các phiên kỹ thuật được trình bày tại hội nghị tập trung vào các chuyên đề thiết kế vi mạch số – tương tự, bảo mật phần cứng, mô phỏng lượng tử và hệ thống-on-chip.

Các bài phát biểu chính tập trung vào những xu hướng công nghệ nổi bật hiện nay: Vi mạch quang học, Vi mạch y sinh, Hệ thống trên chip RISC-V đa lõi. Ngoài ra, các phiên chuyên đề đặc biệt được tổ chức nhằm cập nhật các hướng phát triển mới như: Phát triển các hệ thống trên chip cho xe hơi, Thiết kế mạch UCIe, và Spiking Neural Network – tiếp cận mới về thiết kế lõi AI trên phần cứng.

Diễn giả chính:

  • “Advanced Biomedical Imaging Technologies: Circuit Design and Techniques” – GS. Yongfu Li, Trường Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc;
  • “Multi-core Multi-thread RISC-V-based System-on-Chip” – GS. Phạm Công Kha, Trường Đại học Điện tử – Truyền thông, Nhật Bản;
  • “Photonics Integrated Circuits: Enabling the Next Era of High-Speed, Energy-Efficient Computing” – TS. Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvell Technology, Việt Nam;
  • Bài giảng danh dự CASS: “Advanced Circuits and Systems for Navigation-Grade MEMS Accelerometers” – PGS.TS. Jian Zhao, Trường Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc.

Các diễn giả trình bày keynote speeches tại ICDV 2025, giới thiệu xu hướng thiết kế vi mạch hiện đại và ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn.

Tất cả các bài trình bày sau khi được báo cáo tại hội nghị sẽ được xuất bản trên hệ thống IEEEXplore (chỉ mục trên Scopus) – tạo điều kiện lan tỏa kết quả nghiên cứu trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Hai công trình nghiên cứu xuất sắc được trao giải “Best Paper Award” năm nay gồm:

  • “Ascon Lightweight Cryptography for FANETs Security”Nhóm tác giả Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội;
  • “Inductorless 5.405 GHz Fractional-N PLL for RF Synthesis”Nhóm tác giả Đại học Điện tử – Truyền thông (Nhật Bản) và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

ICDV 2025 quy tụ các nhà nghiên cứu quốc tế và ghi nhận sự tương tác học thuật sôi nổi giữa diễn giả và người tham dự.

PGS.TS. Lê Đức Hùng (Khoa Điện tử – Viễn Thông, HCMUS) – đồng Chủ tịch Hội nghị – phát biểu bế mạc, nhấn mạnh vai trò ICDV trong kết nối học thuật và phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam.

ICDV 2025 – Ảnh lưu niệm cùng BTC, các đại biểu, khách mời, diễn giả quốc tế và những người tham dự trong và ngoài nước.

PMN