Không gian trưng bày các mẫu vật địa chất tại Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM không chỉ là nơi sưu tập và lưu trữ các hiện vật quý giá như kim cương, ruby hay những hóa thạch có niên đại hàng triệu năm, mà còn mang trong mình một sứ mệnh cao cả hơn: phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu.
Bảo tàng Địa chất – Thành quả của sự đóng góp tự nguyện

Theo ThS. Nguyễn Thị Trường Giang, nghiên cứu sinh Khoa Địa chất, Phòng thí nghiệm “Nghiên cứu, sưu tập, bảo quản và lưu trữ mẫu vật địa chất” (thường gọi là Bảo tàng Địa chất) của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM được thành lập với sứ mệnh sưu tập, lưu giữ và bảo quản các tư liệu địa chất, khoáng sản nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo tại trường. Đồng thời, bảo tàng góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về địa chất, giúp người học và khách tham quan hiểu rõ hơn về vai trò của khoáng sản và địa tầng trong đời sống, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Khoa Địa chất cũng tổ chức các buổi tham quan và hoạt động giáo dục tại Bảo tàng nhằm truyền tải kiến thức khoa học một cách trực quan và sinh động.
Ban đầu, các bộ sưu tập chủ yếu gồm những mẫu trầm tích, hóa thạch được khai thác từ khu vực địa chất và khoáng sản miền Nam. Hiện nay, Bảo tàng Địa chất đang mở rộng phạm vi thu thập trên toàn quốc, nhằm xây dựng một Hệ thống tư liệu tham khảo “chuẩn” về Địa chất – Khoáng sản, tạo nền tảng nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu.

ThS. Trường Giang cho biết, các giảng viên trong Khoa Địa chất đã lựa chọn kỹ càng giữa hàng trăm hiện vật để trưng bày. Nhờ vậy, khu vực này trở nên đặc biệt hấp dẫn với những tinh thể quý hiếm như kim cương, ruby, sapphire… Bên cạnh đó, các khoáng vật, đá và dầu khí được sắp xếp theo độ cứng tăng dần hoặc theo vị trí địa lý để thuận tiện cho việc thuyết minh. Cách sắp xếp này không chỉ giúp những ai đến tham quan dễ dàng hệ thống hóa thông tin, mà còn hỗ trợ giảng viên và nhà khoa học trong công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Khoa Địa chất tự hào khi lưu giữ nhiều hóa thạch và mẫu đá minh chứng các giai đoạn kiến tạo của Trái Đất, mang giá trị nghiên cứu sâu sắc. Những hiện vật này không chỉ cung cấp bằng chứng khoa học đáng kể về lịch sử địa chất mà còn hỗ trợ việc xác định niên đại địa tầng, góp phần vào các nghiên cứu về môi trường cổ đại và sự tiến hóa của Trái Đất. Tiêu biểu là hóa thạch Ammonite Jurassic (khoảng 150 triệu năm) và Trilobite (khoảng 540 triệu năm).

Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày các tác phẩm điêu khắc từ ngọc và đá quý, không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn gắn liền với những câu chuyện ý nghĩa, phản ánh sự phát triển của Khoa Địa chất cũng như đóng góp của thế hệ giảng viên, sinh viên qua từng giai đoạn. Trước khi bảo tàng được thành lập, việc lưu trữ tư liệu địa chất còn rời rạc, thiếu hệ thống, gây khó khăn trong công tác tra cứu, nghiên cứu và giảng dạy. Theo TS. Lê Thị Thúy Vân, giảng viên Khoa Địa chất, việc xây dựng một không gian bảo tàng bài bản, có tổ chức không chỉ là mong mỏi của nhiều thế hệ giảng viên mà còn là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu.
Cuối năm 2019, khi các nguồn lực đã sẵn sàng, Bảo tàng Địa chất chính thức ra đời. Quá trình thành lập bảo tàng là kết quả của sự đóng góp tích cực từ các giảng viên, cựu sinh viên, các đơn vị doanh nghiệp và tổ chức liên quan. Đây không chỉ là một thành tựu ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển hệ thống mẫu vật địa chất, mà còn phản ánh tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết của đội ngũ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên Khoa Địa chất cùng các đối tác trong lĩnh vực địa chất. Đồng thời, sự ra đời của bảo tàng là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng thực tiễn.

“Đa số các mẫu vật tại bảo tàng đến từ sự đóng góp của thầy cô Khoa Địa chất, vì mỗi thầy cô chính là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, chúng tôi luôn dành sự tri ân sâu sắc đến những đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là kỹ sư Trần Duân, Nguyên Trưởng đoàn Địa chất 3, Liên Đoàn Bản đồ Địa chất Việt Nam, người đã trao lại hầu như toàn bộ những mẫu vật quý giá mà ông đã sưu tầm trong suốt sự nghiệp. Chính những đóng góp này đã tiếp thêm động lực để bảo tàng ra đời”. – TS. Thuý Vân kể.
Bên cạnh chức năng trưng bày và lưu trữ, không gian bảo tàng đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tập và nghiên cứu. Theo ThS. Nguyễn Thị Trường Giang, không gian này giúp sinh viên Khoa Địa chất tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn nhờ tính trực quan, khả năng tương tác trực tiếp với mẫu vật, thay vì chỉ học qua lý thuyết hoặc tham gia các các chuyến thực địa với phạm vi và thời gian có hạn. Ngoài ra, đây cũng là nơi giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng quan sát và phân tích, phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng thực tế.
ThS. Trường Giang chia sẻ thêm: “Sinh viên từ nhiều ngành khác không chỉ đến Bảo tàng Địa chất để tham quan, khám phá mẫu vật mà còn tìm nguồn cảm hứng cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Điều này xuất phát từ thực tế rằng Ngành Địa chất và Khoa học Trái đất là những ngành khoa học ứng dụng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực tế, đời sống con người luôn gắn liền với địa chất và các nguồn tài nguyên khoáng sản và nguyên vật liệu tự nhiên”.

Nỗ lực hướng tới “số hoá” mẫu vật
Từ khi thành lập, Khoa Địa chất đã không ngừng mở rộng nhóm đối tượng tham quan bảo tàng thông qua việc hợp tác với các đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố. Học sinh tiểu học, trung học khi ghé thăm nơi đây sẽ được tìm hiểu “những câu chuyện của đá” vì mỗi hiện vật chứa đựng quá trình tiến hóa địa chất. Đối với các nhà khoa học và doanh nghiệp, bảo tàng cung cấp nguồn tư liệu quý giá, có tính hệ thống, hỗ trợ nghiên cứu mẫu vật và ứng dụng trong các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng.
“Nếu câu chuyện về sự hình thành các lớp trầm tích hay liên kết hoá học trong những mẫu hoá thạch, ngọc, đá quý dễ dàng thu hút học sinh trung học, thì với các nhà khoa học và chuyên gia, phương thức thuyết minh kết hợp thảo luận chuyên sâu sẽ giúp họ khai thác thông tin một cách hệ thống và toàn diện hơn. Tuỳ vào từng nhóm đối tượng, Khoa Địa chất sẽ áp dụng phương thức truyền tải phù hợp, đảm bảo tối ưu hiệu quả tiếp nhận kiến thức.” – ThS. Trường Giang giải thích.

Bên cạnh đó, hoạt động “số hóa” dữ liệu mẫu vật đang được các thầy cô trong Khoa Địa chất chú trọng thực hiện nhằm giúp Bảo tàng Địa chất và Ngành Địa chất trở nên dễ tiếp cận hơn đối với học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu, giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà còn giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với địa chất từ sớm. Thông qua các nền tảng trực tuyến, người học có thể khám phá khoáng vật, hóa thạch một cách sinh động hơn, khơi dậy sự tò mò và niềm yêu thích đối với lĩnh vực này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để mở rộng phạm vi tiếp cận, Khoa Địa chất còn đẩy mạnh các hoạt động tương tác trực tuyến như hội thảo chuyên đề, video minh họa, giúp việc học tập trở nên trực quan và hấp dẫn hơn, từ đó góp phần định hướng và khuyến khích học sinh theo đuổi địa chất trong tương lai.
Anh Nguyễn Xuân Tình, cựu sinh viên Khoa Địa chất, nhận định: “Ngành Địa chất luôn mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, không chỉ trong lĩnh vực giám định trang sức, đá quý mà còn ở các ngành công nghiệp dầu khí, khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu địa chất công trình cùng nhiều lĩnh vực liên quan khác. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, sinh viên không thể chỉ học qua sách vở mà cần trực tiếp quan sát, phân tích và thực hành với mẫu vật thực tế. Trong quá trình học tập, bảo tàng đóng vai trò như một phòng thí nghiệm mở, giúp sinh viên rèn luyện tư duy khoa học, nâng cao kỹ năng nhận diện, phân tích địa chất và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Nhờ đó, khi ra trường, họ có thể nhanh chóng thích nghi với công việc, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.”

Tầm nhìn phát triển trong tương lai
Trong tương lai, Khoa Địa chất đặt mục tiêu mở rộng quy mô bảo tàng đến các cơ sở khác, đồng thời tiếp tục thu thập và gia tăng số lượng mẫu vật có giá trị. Việc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu mà còn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên và cộng đồng có cơ hội tiếp cận với các mẫu vật địa chất đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, Khoa Địa chất cũng tích cực hợp tác với các nhà khoa học, đơn vị giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp và đặc biệt là các trường phổ thông. Thông qua các chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế, hội thảo chuyên đề và các hoạt động phổ biến kiến thức, Khoa mong muốn lan tỏa giá trị của ngành địa chất đến cộng đồng, khơi gợi sự quan tâm và niềm yêu thích của học sinh đối với lĩnh vực này. Đây không chỉ là cách giúp học sinh hiểu hơn về vai trò của địa chất trong đời sống mà còn góp phần định hướng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi ngành khoa học này trong tương lai.
MINH QUÂN