LỄ KHÁNH THÀNH NÔNG TRẠI THÔNG MINH NHÂN SÂM MẦM (GINSENG SPROUTS SMART FARM) VÀ KHU THÍ NGHIỆM CHUNG (JOINT R&BD PLATFORM)

Ngày 19/12/2023, Lễ khánh thành Nông trại thông minh nhân sâm mầm (Ginseng Sprouts Smart Farm) và Khu thí nghiệm chung (Joint R&BD Platform) đã diễn ra tại cơ sở 2 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM trong khuôn viên Khu đô thị ĐHQG-HCM (Dĩ An – Thủ Đức). Đây là hai mô hình được xây dựng và phát triển với sự hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM (ĐH KHTN) và Trường Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc (ĐH JBN).

Tham dự Lễ khánh thành, gồm có:

Về phía Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM:

  • Ông Phùng Anh Kiệt – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị ĐHQG-HCM;
  • PGS.TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng;
  • PGS.TS. Trần Văn Mẫn – Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ;
  • PGS.TS. Ngô Đại Nghiệp – Trưởng phòng Phòng Quan hệ Đối ngoại;
  • TS. Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ cao trong nông nghiệp.

Về phía Trường Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc:

  • Ông Kim Jin Hyeon – Trưởng dự án và Nghiên cứu viên Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • Ông Jung Dong Un – Giám đốc Bộ phận Hợp tác đối ngoại;
  • GS. Kim Chong Yeal – Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • GS. Lee Kuk Haeng – Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • GS. Kim Jin Seok – Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • Ông Jo Jung Mook – Nghiên cứu viên, Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • Ông Kang Seon Hwang – Nghiên cứu viên, Trung tâm năng lượng mới & tái tạo;
  • Ông Lee Kyong Moo – CEO Công ty LETECHNUS;
  • Ông Lee Kyong Won – CEO Công ty TWIN INNOVATION;
  • Ông Jung Jin Su – CEo Công ty J SOLUTION.

Nông trại thông minh nhân sâm mầm được thực hiện để phân tích các yếu tố và điều kiện môi trường ảnh hưởng đến đến việc trồng nhân sâm mầm Hàn Quốc. Ngoài ra, nông trại còn được kết hợp với mô-đun năng lượng mặt trời phân phối ánh sáng và hệ thống canh tác chiếu sáng tự nhiên, nhằm theo dõi nguồn năng lượng cung cấp và mức tiêu thụ năng lượng cho việc trồng nhân sâm mầm. Bên cạnh đó, với việc hình thành và đi vào hoạt động Khu thí nghiệm chung, Trường ĐH KHTN và Trường ĐH JBN hướng đến phát triển các mảng nghiên cứu bao gồm:

  • Năng lượng mặt trời
  • Lưu trữ năng lượng
  • Nông nghiệp công nghệ cao
  • Sinh lý thực vật và hóa dược

Ngoài ra, khu thí nghiệm chung còn là nơi tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của giáo sư, học giả, giảng viên, sinh viên cả hai trường.

Nối tiếp Lễ khánh thành, hai trường cũng đã có buổi làm việc và trao đổi thêm về các dự án hợp tác chung. Thông qua Báo cáo Kết quả thực hiện dự án, đại diện Trường ĐH JBN cho biết: “Chúng ta đã xây dựng hoàn thành 2 khu nông trại thông minh, mỗi khu đều được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái (7.8Kw và 8.4kW), đã có 32,000 mầm nhân sâm được gieo trồng và thu hoạch trong mùa vụ đầu tiên (97.54%), đạt mức tiết kiệm năng lượng 30-40% thông qua hệ thống năng lượng mặt trời”.

“Các dự án về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đang là xu hướng phát triển cho thời đại mới và sẽ được tập trung đầu tư vào một thời gian không xa”, PGS.TS. Trần Văn Mẫn chia sẻ thêm.

Trong quá trình trao đổi giữa hai bên, PGS.TS. Trần Văn Mẫn đã đề xuất một số hoạt động hợp tác với Trường ĐH JBN trong tương lai, như là: Hệ thống lưu trữ năng lượng, Chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, chuyển giao công nghệ trồng nhân sâm mầm cho Tỉnh Đồng Tháp.

GS. Kim Chong Yeal cũng chia sẻ các mục tiêu mà Trường ĐH JBN hướng đến khi hợp tác với Trường ĐH KHTN:

  • Thương mại hóa mầm nhân sâm, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về các quy định pháp luật hiện hành và liên quan.
  • Mở rộng thêm quy mô Nông trại thông minh.
  • Xây dựng kế hoạch cho các dự án năng lượng tái tạo khác để tiến hành thực hiện vào năm 2024.

Kế hoạch hợp tác của hai trường đến năm 2025:

  • Về khía cạnh Nghiên cứu và Phát triển: Giải quyết các nhược điểm của Nông trại thông minh, nghiên cứu nguồn năng lượng hydro xanh, cải tiến kỹ thuật trồng trọt mầm nhân sâm, nghiên cứu phát triển năng lượng mặt trời ứng dụng trong nông nghiệp.
  • Về khía cạnh Thương mại hóa: Đảm bảo các kênh phân phối nhân sâm, thiết kế đặc khu phân phối nhân sâm, thành lập doanh nghiệp Việt – Hàn chịu trách nhiệm thương mại hóa và phân phối nhân sâm.