“Mấy nghìn năm văn minh nhân loại còn ngắn hơn cả cái chớp mắt của lịch sử của vũ trụ hàng chục tỷ năm”. Theo đó, bầu trời sao mà chúng ta hay ngắm trên đầu, ngoài mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, nó hầu như tĩnh tại. Các chòm sao được các nền văn minh sáng tạo ra từ thời cổ đại đến nay hầu như không có gì thay đổi về hình dáng. Tuy vậy, bầu trời sao đó vẫn có những thay đổi rất nhỏ mà mắt thường không nhận ra được.
Nhận định trên rất sâu sắc và gợi nhiều suy nghĩ về sự nhỏ bé của con người trong dòng chảy thời gian rộng lớn của vũ trụ mà ThS. Phạm Vũ Lộc đã trình bày tại “Seminar Thiên văn học năm 2025” do Câu lạc bộ Thiên văn học (USAC) trực thuộc Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức vào chiều ngày 11/01/2025.
Chương trình đã thu hút hơn 200 Học sinh, Sinh viên, Thầy Cô giáo trong và ngoài trường đến “lắp đầy” hội trường I để lắng nghe và thảo luận về vũ trụ với 2 chủ đề từ 2 diễn giả:
– NCS. ThS. Phạm Vũ Lộc: Nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Thiên văn tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc. Chủ đề trình bày: “Định tinh bất định”.
– Anh Ngô Ngọc Hải: Thành viên nhóm nghiên cứu ELT/HARMONI, chuyên về sự hình thành và đồng tiến hóa của các hố đen siêu khối lượng và thiên hà chủ. Chủ đề trình bày: “Tiến hóa thiên hà”.
Mở đầu chương trình, Anh Ngô Ngọc Hải (USAC) trình bày những khám phá mới nhất về sự hình thành và phát triển của các thiên hà từ vũ trụ sơ khai. Các mô hình hiện đại cùng công cụ quan sát tiên tiến như JWST và ALMA đã được giới thiệu, giúp người tham dự hiểu sâu hơn về vai trò của sự sáp nhập thiên hà, lỗ đen siêu khối lượng, và sự hình thành sao trong việc định hình cấu trúc vũ trụ.
Bên cạnh đó, ThS. Phạm Vũ Lộc đã mang đến bài thuyết trình hấp dẫn về sự thay đổi tưởng như không thể nhận ra của nền sao qua hàng triệu năm. Qua bài chia sẻ, khán giả được tìm hiểu về hành trình nghiên cứu kéo dài hàng thế kỷ của các nhà thiên văn học nhằm giải mã dịch chuyển nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của các ngôi sao trên bầu trời.
Seminar Thiên văn học 2025 khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ về một sự kiện học thuật đầy ý nghĩa, nơi kết nối những người yêu khoa học và khám phá vũ trụ. Những kiến thức mới mẻ và những câu chuyện hấp dẫn từ các diễn giả không chỉ giúp người tham dự hiểu thêm về sự kỳ diệu của thiên văn học, mà còn khơi dậy tinh thần đam mê nghiên cứu và học hỏi không ngừng.
Minh Tâm.