Từ ngày 15 đến 22/7, đoàn công tác Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã có chuyến thăm và làm việc với bốn trường đại học đối tác tại Đài Loan. Chuyến công tác nhằm mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế trong đào tạo – nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy các chương trình trao đổi học thuật thực chất và bền vững giữa Nhà trường với các đơn vị giáo dục và nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Á.

Tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan (NTNU), đoàn đã có buổi làm việc với Khoa Khoa học Trái Đất, thảo luận về chương trình đào tạo sau đại học và các hướng nghiên cứu chuyên sâu như thạch luận magma, trầm tích, địa chất dầu khí, địa kỹ thuật và tai biến địa chất… NTNU cam kết tiếp tục đồng hành với Khoa Địa chất trong chương trình học bổng trao đổi ngắn hạn (01–06 tháng) dành cho sinh viên và học viên cao học, mở ra thêm nhiều cơ hội học thuật thiết thực. Là một trong những trường đại học trọng điểm tại Đài Loan, NTNU nổi bật với thế mạnh trong lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học tự nhiên ứng dụng.

Tại Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) – đơn vị xếp hạng 68 toàn cầu theo QS World University Rankings 2025 – đoàn công tác đã làm việc với Khoa Địa chất và Khoa Địa lý, trao đổi chuyên sâu về chương trình đào tạo ngành Kinh tế đất đai, đồng thời khảo sát hệ thống phòng thí nghiệm và bảo tàng địa chất. Hai bên nhất trí triển khai lớp học chung theo mô hình kết hợp trực tuyến – trực tiếp và xây dựng các dự án nghiên cứu liên ngành trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng đến các nội dung ứng dụng liên quan đến tài nguyên đất, môi trường và quy hoạch bền vững.
Khoa Địa chất làm việc với Khoa Địa lý, NTU

Tiếp tục hành trình, đoàn đã đến làm việc với Đại học Công nghệ Quốc gia Đài Bắc (NTUT – Taipei Tech). Ngoài phiên thảo luận học thuật, các giảng viên và sinh viên hai bên đã phối hợp khảo sát thực địa tại một số khu vực miền Bắc và miền Trung Đài Loan. Đây là bước khởi đầu cho việc phát triển các chương trình thực địa song phương bài bản trong tương lai. Hai bên cũng thống nhất mở rộng kết nối ba trụ cột: đào tạo – nghiên cứu – doanh nghiệp; triển khai lớp học chung; mở rộng học bổng trao đổi và phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề tại HCMUS vào đầu năm 2026. Trước đó, Khoa Địa chất đã có hai sinh viên tham gia chương trình học bổng mùa hè năm 2025 tại NTUT, minh chứng cho lộ trình hợp tác học thuật đang được hiện thực hóa rõ nét.
Đoàn công tác đi thực địa cùng giảng viên và sinh viên NTUT
Bên cạnh các trường đại học, đoàn công tác cũng làm việc với Ban Giám đốc Công viên địa chất toàn cầu Yehliu. Tại đây, đại diện Công viên bày tỏ sự quan tâm và cam kết cử đại biểu tham dự hội thảo quốc tế do Khoa Địa chất tổ chức tại Việt Nam vào năm 2026, mở ra triển vọng hợp tác trong lĩnh vực phát triển mô hình công viên địa chất – một hướng đi có nhiều tiềm năng kết nối giữa nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Một điểm nhấn khác trong chuyến công tác là buổi gặp gỡ Tổ chức Cựu sinh viên NTUT tại thành phố Hualian. Hai bên đã trao đổi định hướng hợp tác trong lĩnh vực khai thác – chế biến khoáng sản, đồng thời đề xuất mô hình kết nối ba bên: nhà trường – doanh nghiệp – cựu sinh viên, qua đó phát huy vai trò cộng đồng khoa học trong chuyển giao tri thức và hỗ trợ người học.

Khép lại chuyến công tác, đoàn đến thăm và làm việc với Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan (NTOU), đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khoa học biển và công nghệ hàng hải. Hai bên cùng trao đổi định hướng hợp tác trong các lĩnh vực địa chất biển, khoáng sản hải dương, nghiên cứu liên ngành giữa địa chất và hải dương học, cũng như các chương trình trao đổi giảng viên – người học và tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề.
Khoa Địa chất làm việc với Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan (NTOU)

Chuyến thăm và làm việc tại Đài Loan là một hoạt động đối ngoại có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Các buổi làm việc không chỉ tập trung vào nội dung chuyên sâu, mang tính liên ngành và ứng dụng cao, mà còn mở ra nhiều cơ hội thiết thực cho đội ngũ giảng viên, sinh viên và học viên sau đại học trong việc mở rộng tầm nhìn học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu và kết nối quốc tế. Qua đó, khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo và năng lực hội nhập ngày càng cao của Nhà trường.
Leave a Reply
You must be logged in để gửi bình luận.