Thông báo đăng ký đề tài Nghiên cứu Ứng dụng 2023 tài trợ NAFOSTED

Phòng KHCN kính chuyển Quý đơn vị thông báo về việc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài Nghiên cứu ứng dụng năm 2023 như bên dưới. 

Trường hợp hồ sơ trình ký số, Chủ nhiệm đề tài vui lòng liên hệ Phòng KHCN (CV Võ Thị Mai Thuận) để Phòng share Folder GD riêng của mỗi đề tài qua email hcmus của Chủ nhiệm. Chủ nhiệm đăng nhập upload file pdf xuất từ OMS và ký số tên mình (vui lòng xem kỹ các hướng dẫn và yêu cầu về chữ ký số của NAFOSTED). 
 
Để tránh trễ hạn và không kịp chỉnh sửa nộp lại khi hồ sơ có sai sót, Chủ nhiệm nên chuyển hồ sơ ký giấy/ký số đến Phòng KHCN trước thời hạn 10 ngày làm việc.
Thông thường, NAFOSTED nhận hồ sơ sớm sẽ có phản hồi Chủ nhiệm chỉnh sửa bổ sung nếu cần.
 
Trân trọng.
 
 

Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài Nghiên cứu ứng dụng năm 2023

 

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài Nghiên cứu ứng dụng năm 2023, thông tin cụ thể như sau:

1. Phạm vi tài trợ

Các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y, dược, khoa học nông nghiệp; khoa học xã hội, khoa học nhân văn.

2. Đối tượng tài trợ

Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam tham gia đăng ký, thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ tài trợ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Yêu cầu

3.1. Hướng nghiên cứu

Phù hợp với hướng nghiên cứu được đề cập tại Mục III ĐiềuQuyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

3.2. Điều kiện của tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện đề tài

3.2.1 Đối với tổ chức chủ trì đề tài:

Có tư cách pháp nhân, có năng lực hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài, có đủ các điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu của đề tài.

3.2.2. Đối với chủ nhiệm đề tài:

a) Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài;

b) Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: Trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

– Có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc là tác giả sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian năm 05 (năm) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

– Có kết quả nghiên cứu đã được công bố (bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc quốc gia có uy tín, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng) trong thời gian 10 (mười) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ được ứng dụng;

c) Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định.

3.2.3. Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:

a) Thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học: có trình độ từ đại học trở lên; có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín hoặc có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian 05 (năm) năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;

b) Thành viên: có trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên tạp chí quốc gia hoặc quốc tế, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng;

c) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

3.2.4. Tại cùng một thời điểm, mỗi cá nhân làm chủ nhiệm không quá 01 (một) đề tài do Quỹ tài trợ.

3.3. Thời gian thực hiện đề tài không quá 36 (ba mươi sáu) tháng.

3.4. Kết quả của đề tài:

a) Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết quả của đề tài là những phương pháp, cách thức mới để giải quyết các vấn đề về xã hội, con người;

b) Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, kết quả của đề tài là công nghệ mới, bao gồm bí quyết kỹ thuật, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

3.5. Sản phẩm của đề tài

3.5.1. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) 02 (hai) bằng độc quyền sáng chế hoặc 02 (hai) bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế và 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng;

b) 01 (một) bằng độc quyền sáng chế hoặc 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng; và 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 01 (một) bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích.

3.5.2. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) 02 (hai) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín;

b) 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín;

3.5.3. Chủ nhiệm đề tài là tác giả của ít nhất 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng từ kết quả của đề tài.

4. Hồ sơ đăng ký đề tài

(Bao gồm hồ sơ kê khai trực tuyến và hồ sơ điện tử được ký số hoặc hồ sơ bản cứng in từ hệ thống).

4.1. Hồ sơ đăng ký bắt buộc phải nhập trên hệ thống OMS theo biểu mẫu quy định, bao gồm:

Hồ sơ kê khai trực tuyến: Đăng nhập vào hệ thống quản lý đề tài của Quỹ và kê khai các thông tin dưới đây

a) Đơn đăng ký đề tài (Mẫu NCUD01);

b) Thuyết minh đề tài (Mẫu NCUD02) – Tải mẫu và tải lên hệ thống;

c) Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và các thành viên (Mẫu NCUD03) và các tài liệu chứng minh thành tích nghiên cứu;

d) Tài liệu liên quan khác nếu tổ chức, cá nhân thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ.

Hồ sơ điện tử được ký số hoặc hồ sơ bản cứng

Sau khi kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến, tải bộ hồ sơ từ hệ thống, Sau đó lựa chọn ký số và tải lên hoặc in hồ sơ ký tươi, đóng dấu và gửi đến Quỹ;

Link truy cập hệ thống: https://e-services.nafosted.gov.vn

4.2. Nộp hồ sơ đến Quỹ

Sau khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký trên hệ thống OMS, nhà khoa học có thể gửi hồ sơ tới Quỹ theo 1 trong 2 cách sau:

Cách 1. Sử dụng hồ sơ ký số (01 bộ): hồ sơ được ký số bằng Chữ ký số và tải lên hệ thống OMS.

Cách 2. Gửi hồ sơ in trên giấy (01 bộ) được ký và xác nhận bằng bút mực xanh và dấu đỏ, bao gồm:

– Đơn đăng ký in từ hệ thống OMS có xác nhận của tổ chức chủ trì.

– Thuyết minh đề tài (bao gồm phần nội dung và phần dự toán kèm theo phụ lục các khoản chi) có xác nhận của lãnh đạo tổ chức chủ trì.

– Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và các thành viên in từ hệ thống OMS có xác nhận của cơ quan công tác (trừ trường hợp thành viên nhóm nghiên cứu công tác tại tổ chức chủ trì).

CNĐT in 02 bản phiếu khai Hồ sơ theo mẫu (Mẫu NCUD-PK) của Quỹ để đối chiếu và giao nhận hồ sơ.

Quỹ khuyến khích nhà khoa học, tổ chức chủ trì thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sử dụng chữ ký số điện tử và ưu tiên hơn trong quá trình xét chọn tài trợ đối với các hồ sơ dạng này.

Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng hệ thống nộp hồ sơ nghiên cứu ứng dụng.

Lưu ý:

– Để các Hội đồng khoa học (HĐKH) có thể đánh giá được ý nghĩa của nghiên cứu và cơ quan quản lý có thể thẩm định được kinh phí thực hiện đề tài, các nội dung dự kiến đăng ký độc quyền sáng chế (nếu có) cần được thuyết minh rõ ràng. Quỹ thực hiện bảo mật thông tin hồ sơ đề tài theo thông lệ quốc tế.

– Minh chứng thành tích nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và thành viên cần được cập nhật đầy đủ trong lý lịch khoa học trên hệ thống OMS. Việc cung cấp không đầy đủ minh chứng có thể dẫn đến việc hồ sơ không đủ điều kiện đánh giá xét chọn hoặc đánh giá không đầy đủ năng lực của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu.

– Trong Phụ lục các khoản chi yêu cầu ghi đủ 08 mục; phần kinh phí không sử dụng ghi: 0.

– Hồ sơ điện tử sẽ được sử dụng trong quá trình đánh giá xét chọn.

– Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký đề tài bản giấy nhưng không được xuất từ hệ thống OMS sẽ không được chấp nhận.

Điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết (trong giờ hành chính):

– Hỗ trợ về chuyên môn: 024 3936 7750 (Máy lẻ: 301; 305; 306)

– Hỗ trợ về tin học, hệ thống OMS: 024 3936 7750 (Máy lẻ: 801; 802)

5. Tiếp nhận hồ sơ:

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: từ 8h00 ngày 11/8/2023 đến 17h00 ngày 28/9/2023 (thứ Năm).

Đối với các hồ sơ bản giấy gửi theo đường bưu điện cần được gửi (theo dấu bưu điện trên bì thư) trước thời điểm kết thúc tiếp nhận hồ sơ.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Văn phòng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Phòng 405, Tầng 4, Số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3936 7750; Fax: (024) 3936 7751

6. Một số mốc thời gian triển khai dự kiến

– Đánh giá xét chọn: Hoàn thành tháng 12/2023

– Ký hợp đồng tài trợ: Năm 2024

7. Các văn bản tham khảo liên quan

– Thông tư số 15/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ đề tài nghiên cứu ứng dụng.

– Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

– Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08/05/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

– Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hướng dẫn việc khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

– Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

– Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

–  Quyết định số 95/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 30/12/2021 của Hội đồng Quản lý Quỹ phê duyệt Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín, ISI có uy tín và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật do Quỹ tài trợ.

– Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 11/12/2019 của Hội đồng quản lý Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia về việc Ban hành Danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

7. Một số lưu ý trong lập dự toán kinh phí đề tài

–  Trong các đợt tài trợ trước đây, kinh phí trung bình một đề tài nghiên cứu ứng dụng Quỹ đã tài trợ là 2000 triệu đồng, kinh phí tối đa một đề tài nghiên cứu ứng dụng Quỹ đã tài trợ là 2500 triệu đồng;

– Dự toán chi mua vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định được xây dựng trên cơ sở thuyết minh dự kiến khối lượng công việc, chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước (nếu có). Trong quá trình xây dựng dự toán, để có căn cứ xác định giá dự toán cần nêu rõ các thông số kỹ thuật của hàng hóa dự kiến mua sắm và dựa trên căn cứ giá của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá.

– Chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định: Trong khuôn khổ Chương trình tài trợ, Quỹ chỉ tài trợ chi mua sắm các thiết bị nghiên cứu nhỏ, cần thiết, phục vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu của các đề tài. Quỹ ưu tiên xem xét tài trợ các đề tài có tổ chức chủ trì đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đề tài.

– Đoàn ra: Quỹ không ưu tiên tài trợ. Trường hợp cần thiết, các nhà khoa học có thể đăng ký hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT/BKHCN ngày 15/5/2015.

Tin: NAFOSTED

https://nafosted.gov.vn/thong-bao-tiep-nhan-ho-so-dang-ky-de-tai-nghien-cuu-ung-dung-nam-2023/