TIẾP ĐÓN ĐOÀN CÔNG TÁC TỪ VIỆN LIÊN HIỆP NGHIÊN CỨU HẠT NHÂN DUBNA

Ngày 18/10, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM (HCMUS) tổ chức đón tiếp Đoàn công tác đến từ Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (JINR), chủ trì bởi TS. Dmitri Kamanin, Trưởng ban Hợp tác quốc tế JINR.

Tham gia từ phía Trường Đại học Khoa học tự nhiên có PGS.TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Võ Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại; PGS.TS. Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, cùng các đại diện từ các đơn vị liên quan.

Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS. Trần Minh Triết nồng nhiệt chào mừng Đoàn công tác JINR đến với HCMUS. Nhà trường mong muốn thông qua các hoạt động, hai bên sẽ có thêm nhiều cơ hội để hợp tác cùng phát triển.

Tại buổi làm việc, HCMUS đã trình bày thông tin tổng quan về Trường, Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật và tập trung vào bộ môn Vật lý Hạt nhân – Kỹ thuật Hạt nhân – Vật lý Y khoa. TS. Dmitri Kamanin đã giới thiệu về hoạt động nổi bật, sứ mệnh và các nghiên cứu quan trọng của JINR. Thông tin này đã giúp các đại biểu có mặt hiểu rõ hơn về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của Viện trong hoạt động nghiên cứu hạt nhân trên trường quốc tế.

Một điểm nổi bật trong chuyến thăm lần này của JINR là Hội thảo dành cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia của JINR đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, TS. Michael Nozdrin đã đề cập đến các cơ sở và thiết bị máy gia tốc hiện có tại JINR, trong khi TS. Sergei Kichanov tập trung vào lĩnh vực khoa học vật liệu tại lò phản ứng IBR-2. Bên cạnh đó, TS. Iurii Severiukhin đã trình bày về các nghiên cứu liên quan đến bức xạ sinh học được tiến hành tại các cơ sở của JINR. Cuối cùng, TS. Dmitry Kamanin đã cung cấp thông tin về các chương trình nâng cao năng lực và đào tạo mà JINR đang triển khai.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong không khí hợp tác thân thiện và xây dựng. Sự kiện không chỉ nhằm kết nối mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hạt nhân, góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ cả trong nước và quốc tế.