Kiến nghị cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực và đầu tư trọng điểm để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam

Ngày 16/5/2025, tại buổi làm việc giữa ĐHQG-HCM và Đoàn công tác Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Trung ương, PGS.TS Trần Thiện Thanh – Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – đã báo cáo về công tác đào tạo nhân lực cho Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, thu hút người học cho ngành vật lý hạt nhân.

PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 5 năm 2025.

PGS.TS Trần Thiện Thanh cho biết, Bộ môn Vật lý hạt nhân trực thuộc Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG-HCM), là đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu hạt nhân. Được thành lập từ năm 1965 với tên gọi ban đầu là Bộ môn Nguyên Tử, đến nay bộ môn đã phát triển thành một hệ thống đào tạo gồm chuyên ngành Vật lý hạt nhân, ngành Kỹ thuật hạt nhân và ngành Vật lý y khoa. Bộ môn Vật lý hạt nhân vinh dự hai lần nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử giai đoạn 2006 – 2015 và 2016 – 2020, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Ngành Kỹ thuật hạt nhân được thành lập năm 2011 và tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2012, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ dự án điện hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử. Trong khi đó, ngành Vật lý y khoa được mở vào năm 2020, tập trung đào tạo nhân lực chuyên sâu về ứng dụng công nghệ và kỹ thuật vật lý hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị ung thư – một trong những nhu cầu cấp thiết của ngành y tế hiện nay.

PGS.TS Trần Thiện Thanh – Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên báo cáo tại Buổi làm việc

Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM hiện có hai đơn vị là Bộ môn Vật lý Hạt nhân và Phòng thí nghiệm Kỹ thuật hạt nhân quy tụ 27 cán bộ cơ hữu, gồm 01 giáo sư,  03 Phó giáo sư, 09 tiến sĩ, 10 nghiên cứu sinh và 04 học viên cao học để đảm bảo công tác giảng dạy và nghiên cứu cũng như phục vụ cộng đồng.

Thực tế công tác tuyển sinh cho thấy, giai đoạn năm 2020 đến 2024, sinh viên chuyên ngành Vật lý hạt nhân trung bình khoảng 15 sinh viên/năm, ngành Kỹ thuật hạt nhân trong bình 40 sinh viên/năm và ngành Vật lý y khoa trung bình 60 sinh viên/năm. Học viên cao học trung bình 20 học viên/năm và nghiên cứu sinh trung bình 5 người/năm. Điều này cho thấy ngành hạt nhân là một “ngành đặc thù”, cần đổi mới trong phương thức tuyển sinh, thu hút người học.

PGS.TS Trần Thiện Thanh cho rằng, nguồn nhân lực của Trường Đại học Khoa học tự nhiên cơ bản đáp ứng được công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực cho Dự án nhà máy điện hạt nhân và dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh vẫn còn hạn chế, xuất phát từ chính sách học bổng cho người học chưa hấp dẫn; đồng thời cơ sở vật chất chỉ đáp ứng được một phần công tác giảng dạy và nghiên cứu.

PGS.TS Trần Thiện Thanh đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi rõ ràng cho cả người học và giảng viên, nhằm khích lệ sự gắn bó và phát triển bền vững của đội ngũ. Đồng thời, Phó Trưởng khoa Khoa Vật lý nhấn mạnh việc đầu tư trọng điểm vào cơ sở vật chất phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đồng bộ để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường thành viên.

CTV

Leave a Reply