Nghiên cứu tổng hợp dẫn xuất của pyridine và thử nghiệm hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase

Ngày 25/10/2024 vừa qua, tại phòng I.12, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tổng hợp dẫn xuất của pyridine và thử nghiệm hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase,” do TS. Nguyễn Trường Hải làm chủ nhiệm. Đề tài được đánh giá đạt và vượt các mục tiêu đặt ra, mở ra tiềm năng ứng dụng cao trong nghiên cứu hóa dược và công nghệ xúc tác.

Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học tác giả đã thành công điều chế vật liệu Eutectogel (ETG) ETG-Acetamide từ bốn thành phần khác nhau và ứng dụng nó làm xúc tác trong các phản ứng tổng hợp dẫn xuất pyridine và chromene. Kết quả phân tích cấu trúc ETG-Acetamide thông qua các phương pháp FT-IR, SEM, TGA và XRD cho thấy vật liệu đáp ứng các tiêu chí cần thiết cho xúc tác hiệu quả. Thông qua phản ứng đa thành phần gồm benzaldehyde, malononitrile và ammonium acetate dưới tác dụng của ETG-Acetamide tại 80°C, nhóm nghiên cứu đã thu được 15 dẫn xuất pyridine và 8 dẫn xuất chromene, với hiệu suất cô lập lên đến 75%. Các dẫn xuất này có cấu trúc và độ tinh khiết cao, được xác định qua phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), và cho thấy khả năng thu hồi, tái sử dụng cùng tính thân thiện với môi trường của ETG-Acetamide.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát triển vật liệu carbon vô định hình chứa nhóm acid Brönsted (AC-SO3H), được tổng hợp từ sinh khối vỏ trấu qua quá trình carbon hóa ở 400°C và sulfon hóa bằng H2SO4 đặc. Kết quả cho thấy AC-SO3H có tính chất xúc tác mạnh, ổn định với cấu trúc dạng kết tụ và hàm lượng cao của các nguyên tố carbon, oxygen, silic và lưu huỳnh. Với nồng độ acid đạt 1,680 mmol/g, AC-SO3H đã được sử dụng làm xúc tác trong phản ứng tổng hợp dẫn xuất indolyl 1H-pyrrole từ các hợp chất indole, phenylglyoxal monohydrate, dimedone và ammonium acetate. Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thành công 21 dẫn xuất của indolyl 1H-pyrrole với hiệu suất cô lập lên đến 87%, xác nhận độ tinh khiết và cấu trúc bằng NMR.

Dù các dẫn xuất pyridine, chromene và indolyl 1H-pyrrole không cho thấy khả năng ức chế enzyme α-glucosidase, các dẫn xuất của pyridine và chromene đã thể hiện tiềm năng trong việc kháng viêm, mở ra hướng nghiên cứu mới cho các ứng dụng dược phẩm tiềm năng.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả của đề tài với nhiều thành tựu nổi bật, bao gồm 2 công bố quốc tế thuộc danh mục SCIE (xếp hạng Q1) và đào tạo thành công 3 cử nhân khoa học, đánh dấu thành công đáng kể trong lĩnh vực xúc tác và dược phẩm.