Chất lượng không khí lớp học là điều kiện tiên quyết cho môi trường học đường bền vững, song vi sinh vật như nấm mốc, vi khuẩn trong không khí vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe học sinh. Ngày 22.04, Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG-HCM đã thông qua “Nghiên cứu ô nhiễm vi khuẩn và nấm mốc trong không khí phòng học tại TP.HCM”, do ThS. Đặng Diệp Yến Nga (Khoa Môi trường – Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM) làm chủ nhiệm.

Đề tài nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá mức độ ô nhiễm vi sinh trong không khí lớp học – một nguy cơ ‘ẩn’ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh. Qua đó, nghiên cứu không chỉ làm rõ các yếu tố gây ô nhiễm, mà còn đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện chất lượng môi trường học đường, hướng đến một không gian học tập an toàn và bền vững.
Triển khai nghiên cứu thực tiễn tại ba trường học
Ba cơ sở giáo dục, bao gồm một trường đại học và hai trường trung học cơ sở tại TP.HCM, đã được chọn làm đối tượng khảo sát, đại diện cho các điều kiện học đường điển hình trong môi trường đô thị lớn. Các mẫu không khí được lấy trực tiếp trong lớp học bằng thiết bị chuyên dụng SKC Biostage – cho phép thu thập bụi sinh học chứa vi sinh vật trôi nổi trong không khí.

Sau khi lấy mẫu, vi sinh vật được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trên hai loại môi trường chuyên biệt:
- Môi trường Czapek-Dox Agar: phát hiện sự hiện diện của nấm mốc.
- Môi trường Plate Count Agar: phát hiện và định lượng vi khuẩn.
Phân tích chuyên sâu và chỉ tiêu đánh giá
Các mẫu nuôi cấy được phân tích định danh để xác định loại vi khuẩn và nấm mốc, đồng thời tính toán mật độ vi sinh vật (đơn vị CFU/m³ – số lượng khuẩn lạc trong 1m³ không khí).

Ngoài ra, đề tài tiến hành so sánh giữa các điều kiện lớp học khác nhau:
- Lớp học có/không sử dụng điều hòa nhiệt độ.
- Lớp học có/không có học sinh trong thời điểm lấy mẫu.
Kết quả đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt về mật độ vi sinh vật theo từng điều kiện, cho thấy yếu tố môi trường trong lớp học (thông gió, mật độ học sinh, vệ sinh lớp học, sử dụng điều hòa…) có ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí.
Cơ sở khoa học góp phần xây dựng môi trường học đường bền vững

Đề tài đã cung cấp bằng chứng khoa học cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt đối với nhà quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh, về tầm quan trọng của chất lượng không khí lớp học.
Trong bối cảnh các đô thị lớn như TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường và sức khỏe học đường, nghiên cứu này mở ra hướng đi thiết thực nhằm xây dựng môi trường học tập an toàn, bảo vệ sức khỏe lâu dài cho thế hệ trẻ.