Chính thức đưa vào hoạt động đầu năm 2025, Phòng Makerspace – Không gian sáng tạo của Khoa Khoa học Liên ngành, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn, cung cấp cho người học một không gian học tập và thực hành sáng tạo, biến những ý tưởng tiềm năng thành sản phẩm thực tế.

Môi trường linh hoạt, năng động, tăng tính tương tác trong học tập và thực hành
Theo TS. Nguyễn Hà Hùng Chương – Giảng viên Khoa Khoa học Liên ngành, Phòng Makerspace không chỉ là nơi học tập mà còn là không gian thử nghiệm, sáng tạo, đặc biệt cần thiết đối với các môn học có tính thực hành cao như ngành Công nghệ giáo dục (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2025) và Khoa học tích hợp.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), Internet vạn vật (IoT)… đã đặt ra nhiều thách thức mới cho giáo dục. Không gian Makerspace giúp người học không chỉ tiếp cận mà còn trực tiếp trải nghiệm các công nghệ này, qua đó hình thành tư duy đổi mới sáng tạo. Theo TS. Hùng Chương, các nhà giáo dục ngày nay cần biết ứng dụng công nghệ và sử dụng các sản phẩm công nghệ, đồng thời không ngừng cá nhân hóa quá trình giảng dạy để khai phá những phương pháp học tập hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo, Phòng Makerspace còn được thiết kế để tạo động lực học tập, khơi dậy sự tò mò và ham học hỏi của người học.
“Không gian Makerspace được thiết kế với màu sắc tươi sáng, kích thích sáng tạo. Bàn ghế và hệ thống ổ cắm điện được bố trí linh hoạt, hợp lý, tạo thuận lợi cho người học trong quá trình tương tác và làm việc nhóm. Đây là điều mà các phòng học truyền thống khó đáp ứng được”. – TS. Hùng Chương chia sẻ.
Trang thiết bị hiện đại, ứng dụng đa dạng

Người học có thể sử dụng Phòng Makerspace để thiết kế bài giảng và chương trình học STEM, hoặc sáng tạo, chế tạo các sản phẩm phục vụ luận án và nghiên cứu khoa học. Một số trang thiết bị hiện đại phải kể đến như:
- Máy in 3D: Hỗ trợ tạo mô hình chính xác, nhanh chóng.
- Máy tiện CNC, máy khoan cắt: Gia công chính xác, hiệu suất cao, hỗ trợ tạo hình trên nhiều vật liệu.
- Máy xTool M1 Ultra: Thiết bị đa năng 4 trong 1, bao gồm cắt và khắc laser, tạo nhũ kim, cắt decal, vẽ và viết đa màu.
- Bộ Kit Robot Xbot và AIoT&AI: Giúp sinh viên lắp ráp, lập trình robot.
Với hệ thống trang thiết bị đa dạng, Makerspace không chỉ phục vụ cho ngành khoa học công nghệ mà còn hỗ trợ sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác, từ thiết kế sản phẩm đến giáo dục STEM.

Không quan trọng “đúng – sai”, đề cao tư duy sáng tạo
Trong hai tháng hoạt động, Phòng Makerspace đã trở thành nơi truyền cảm hứng không chỉ trong học tập mà còn trong khởi nghiệp sáng tạo. Người học không còn bị giới hạn trong lý thuyết mà có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng ngay tại chỗ, với sự hỗ trợ của giảng viên và thiết bị hiện đại. Theo TS. Hùng Chương, chính sự tương tác gần gũi giữa người học và giảng viên đã giúp không khí lớp học trở nên sôi động và tràn đầy những ý tưởng mới lạ.
“Để kích thích tư duy sáng tạo và khả năng kết hợp kiến thức liên ngành, giảng viên không nên đặt nặng việc ‘đúng – sai’ mà cần khuyến khích người học liên tục thử nghiệm, điều chỉnh để tìm ra giải pháp tối ưu”. – TS. Hùng Chương bổ sung.

Không dừng lại ở cấp đại học, Makerspace còn hướng đến đối tượng học sinh tiểu học và trung học, giúp các em tiếp cận công nghệ từ sớm. Khoa Khoa học Liên ngành đang đề xuất các chương trình hợp tác với các đơn vị giáo dục bậc tiểu học và trung học, không chỉ dừng lại ở các buổi tham quan mà còn mang đến những trải nghiệm thực tế, giúp học sinh nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của công nghệ và máy móc trong đời sống.
“Công nghệ ngày càng thay đổi nhanh chóng, và giáo dục cũng cần thích ứng với sự thay đổi đó. Chúng tôi mong muốn giúp người học rèn luyện tư duy đổi mới, sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới và trang bị những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động tương lai“. – TS. Hùng Chương nhấn mạnh.
Máy cắt Laser
MINH QUÂN