TB V/V CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU THƯỜNG NIÊN 2020 CỦA QUỸ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VINGROUP (VINIF)

TB V/V CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU THƯỜNG NIÊN 2020 CỦA QUỸ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VINGROUP (VINIF)

 

CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU THƯỜNG NIÊN 2020

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation – VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Vingroup Big Data Insititute – VINBDI) được tập đoàn Vingroup thành lập với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.

Quỹ VINIF hướng tới nhiệm vụ hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện các dự án xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn, với định hướng ứng dụng cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại.

 
1. Mục tiêu
  • Tạo ra các công trình nghiên cứu có tầm quốc tế, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
  • Xây dựng đội ngũ nhà khoa học, trí thức trẻ và năng động.
  • Tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học phát huy khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần thay đổi môi trường và tác phong nghiên cứu tại Việt Nam.
  • Xây dựng hệ sinh thái nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và gắn kết nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
2. Đối tượng và lĩnh vực ưu tiên
  • Chủ nhiệm dự án là nhà khoa học (có bằng tiến sĩ) với kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên.
  • Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài, yêu cầu thời gian làm việc trong nước tối thiểu là 3 tháng/năm trong thời gian chủ nhiệm đề tài. Số lượng người nước ngoài tham gia trong dự án không vượt quá 30%.
  • Chương trình ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ hiện đại gắn bó với dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning).
  • Với các lĩnh vực khác, Quỹ sẽ xem xét các dự án thật sự đột phá và tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
3. Kết quả nghiên cứu

Đầu ra của dự án cần đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu sau đây:

  • Có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín xếp hạng Q1 hoặc tương đương;
  • Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng;
  • Chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ;
  • Đào tạo thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước.

Trường hợp kết quả nghiên cứu chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ độc quyền thì phải có thông báo chấp nhận đơn, minh chứng về việc tiếp nhận yêu cầu thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ độc quyền, và kết quả tra cứu khả năng bảo hộ từ các cơ quan, tổ chức có chứng nhận hoạt động hợp pháp.

Quỹ sẽ phối hợp với các tổ chức thuộc tập đoàn Vingroup hỗ trợ đầu ra cho quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ thông qua việc giới thiệu, ứng dụng vào thực tế các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của nghiên cứu và hỗ trợ tìm kiếm nguồn đầu tư để tiếp tục hoàn thiện và phát triển sản phẩm, dịch vụ và giải pháp.

4. Vấn đề về sở hữu trí tuệ

Quỹ hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu khuyến khích sự phát triển khoa học và công nghệ cho Việt Nam. Chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì sẽ được giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và các kết quả nghiên cứu khác.

Trong các sản phẩm, bài báo, các tác giả cần nêu rõ: “Nghiên cứu được thực hiện với chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF)”.

5. Cơ chế tài chính

Quỹ có cơ chế tài chính linh hoạt, hợp lý nhằm tạo cho các nhà nghiên cứu có điều kiện làm việc tốt nhất, thủ tục hành chính đơn giản nhất. Quỹ không đặt giới hạn tối đa về mức hỗ trợ, tuy nhiên cần có kế hoạch tài chính hợp lý là một trong những tiêu chí quan trọng của Quỹ trong việc xem xét tài trợ. Kinh phí tài trợ tối thiểu là 2 tỷ VND.

Kinh phí tài trợ bao gồm:

  • Lương của thành viên tham gia dự án, chi phí thuê chuyên gia trong và ngoài nước;
  • Nguyên, nhiên, vật liệu và các vật tư, dụng cụ phục vụ nghiên cứu;
  • Mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu;
  • Thuê dịch vụ, thuê văn phòng và thuê các thiết bị, hệ thống;
  • Công tác phí, tổ chức hội thảo, chi phí văn phòng và chi phí quản lý liên quan trực tiếp đến nghiên cứu.

Tổ chức chủ trì phải ký hợp đồng nguyên tắc với Quỹ trước khi tiếp nhận đề tài với cam kết giao quyền chủ động về tài chính cho chủ nhiệm dự án, cam kết tạo điều kiện về thời gian, điều kiện làm việc để chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu hoàn thành nhiệm vụ.

Kinh phí tài trợ sẽ được giải ngân theo từng đợt về các tổ chức chủ trì căn cứ theo Hợp đồng tài trợ nghiên cứu.

6. Hồ sơ đề xuất

Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án gồm 01 (một) bộ hồ sơ bản giấy và hồ sơ điện tử theo mẫu quy định, bao gồm:

  • Đơn đăng ký dự án (Mẫu VINIF-A-DDK);
  • Thuyết minh dự án bằng tiếng anh (Mẫu VINIF-A-TMDA);
  • Tài liệu liên quan khác nếu tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ dự án.
7. Kế hoạch xét chọn, thẩm định dự án và địa chỉ nhận hồ sơ

Hàng năm, Quỹ tổ chức thông báo nộp đề xuất, xét chọn thông qua hội đồng KH&CN trong nước và thẩm định thông qua hội đồng các chuyên gia KH&CN nước ngoài, ký hợp đồng tài trợ theo kế hoạch như sau:

  • Thông báo chương trình hỗ trợ: tháng 12 hàng năm;
  • Nhận đề xuất: Từ 1/1 đến tháng 31/3;
  • Xét chọn và thẩm định: Từ 1/4 đến 15/7;
  • Thông báo kết quả tài trợ: Tháng 7 – Tháng 8;
  • Ký hợp đồng và bắt đầu thực hiện: Tháng 9.

BIỂU MẪU

Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án nộp hồ sơ từ ngày 01/1/2020 đến 31/3/2020 qua email info@vinif.org và qua dịch vụ chuyển phát hồ sơ đến địa chỉ:

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI)

Tầng 5, Tower 1, Times City,
458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam