TỌA ĐÀM “BÌNH ĐẲNG CƠ HỘI NGÀNH STEM – TƯƠNG LAI CHO SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

TỌA ĐÀM “BÌNH ĐẲNG CƠ HỘI NGÀNH STEM – TƯƠNG LAI CHO SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Sáng ngày 15 tháng 11, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, buổi tọa đàm với chủ đề “Bình Đẳng Cơ Hội Ngành STEM – Tương Lai Cho Sáng Tạo Và Phát Triển Bền Vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về rào cản giới trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và thúc đẩy nữ giới tham gia vào các ngành nghề này.

Buổi tọa đàm được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, nằm trong khuôn khổ Dự án STEMherVN 2024, được tài trợ bởi Qualcomm Foundation và Tập đoàn MiTek. Dự án nhằm truyền cảm hứng và tạo động lực cho nữ sinh theo đuổi giáo dục cũng như sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong ngành nghề này.

ThS. Trần Vân Anh – Phó Viện trưởng MSD Việt Nam phát biểu chào mừng và giới thiệu về Dự án STEMherVN 2024 tại buổi tọa đàm. Ảnh: MSD Việt Nam.

Mở đầu buổi tọa đàm, ThS. Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng MSD Việt Nam, đã có bài phát biểu chào mừng và giới thiệu về Dự án STEMherVN 2024. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích nữ giới tham gia vào STEM như một yếu tố thiết yếu để phát triển bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Hà Hùng Chương, giảng viên Khoa Khoa học Liên ngành, đã trình bày về bình đẳng giới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, chỉ ra những thách thức mà nữ giới đang phải đối mặt trong môi trường làm việc hiện tại.

TS. Nguyễn Hà Hùng Chương – Khoa Khoa học liên ngành, Trường ĐH KHTN trình bày chủ đề về bình đẳng giới và những thách thức mà nữ giới phải đối mặt trong lĩnh lực Công nghệ thông tin. Ảnh: MSD Việt Nam.

Trong phần tọa đàm, một đội ngũ diễn giả gồm các chuyên gia và doanh nhân đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về trải nghiệm thực tế của họ trong ngành STEM, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực để khuyến khích và hỗ trợ nữ sinh trong việc theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này. Chị Thoa Huỳnh, đại diện từ Công ty MiTek Việt Nam, đã nhấn mạnh nhu cầu và kỳ vọng của thị trường lao động đối với nhân sự nữ trong ngành STEM. Ngoài ra, những chia sẻ từ Chị Ngọc Phan, Giám đốc Điều hành công ty Vio Technology, và bạn Phạm Việt Thuỳ Trinh (SV năm 3 Khoa Hóa học), Đại sứ STEMherVN 2024, đã mang đến cái nhìn đa chiều về con đường sự nghiệp và học tập trong lĩnh vực này.

PGS. TS. Nguyễn Tuyết Phương – Trưởng Khoa Khoa học liên ngành (bên phải) và Chị Thoa Huỳnh – Quản lý Vận hành, Phòng Đào tạo, Phát triển và Hiệu suất công việc, Công ty MiTek Việt Nam (bên trái). Ảnh: MSD Việt Nam.
Chị Ngọc Phan – Giám đốc Điều hành công ty Vio Technology (bên trái) và bạn Phạm Việt Thuỳ Trinh (SV năm 3 Khoa Hóa học) – Đại sứ STEMherVN 2024 (bên phải). Ảnh: MSD Việt Nam.

 

Buổi tọa đàm đã chia thành ba phần chính:

1. Phá vỡ những lầm tưởng về STEM và vai trò của đa dạng giới: Các diễn giả đã thảo luận về khó khăn mà nữ sinh gặp phải khi theo đuổi sự nghiệp trong STEM, những quan niệm sai lầm về khả năng của phụ nữ trong lĩnh vực này.

2. Cơ hội nghề nghiệp và tiềm năng phát triển trong ngành STEM: Những thảo luận về cơ hội nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường đã mở ra thêm nhiều góc nhìn cho các bạn sinh viên về tương lai của họ trong ngành.

3. Khuyến khích giáo dục STEM từ sớm: Vai trò của cấp THPT trong việc nâng cao kỹ năng mềm và định hướng phát triển cho học sinh, đặc biệt là các bạn nữ, được nhấn mạnh như một yếu tố then chốt để tạo ra một thế hệ lao động chất lượng trong tương lai.

Buổi tọa đàm đã khép lại với phần hỏi đáp sôi nổi giữa diễn giả và khách mời, tạo cơ hội cho sinh viên tương tác và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia. Sự kiện không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong lĩnh vực STEM mà còn tạo ra một sân chơi cho nữ sinh xác định và theo đuổi đam mê của mình trong tương lai.

Các em học sinh Trường THPT Dương Văn Dương tham gia tọa đàm. Ảnh: MSD Việt Nam.

Buổi tọa đàm đã thành công không chỉ trong việc khẳng định giá trị của sự bình đẳng trong giáo dục và nghề nghiệp STEM mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ sinh, trong việc theo đuổi đam mê và khát vọng trong những lĩnh vực này.

ℙ𝕄ℕ