KỶ NIỆM 23 NĂM THÀNH LẬP LÀNG TRE PHÚ AN

KỶ NIỆM 23 NĂM THÀNH LẬP LÀNG TRE PHÚ AN

Ngày 15/5, nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên Làng tre Phú An đã tổ chức lễ kỷ niệm, đồng thời tưởng nhớ GS Jacques Gurgand. Đến tham dự chương trình có PGS.TS Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS. TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cùng lãnh đạo các đơn vị, đối tác. Trước đó 01 tuần, Thư viện Nhà trường đã đến thăm trao tặng cho Làng tre Phú An hơn 300 cuốn sách chủ đề “Văn học nghệ thuật, văn hóa các dân tộc Việt Nam” nhằm mục tích lan tỏa văn hóa đọc đến với người dân và các em thiếu nhi đến học tập tại làng tre.

Làng Tre Phú An được TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh, Giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM sáng lập từ năm 1999 và chính thức được ĐHQG-HCM thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Làng tre Phú An trực thuộc Trường từ năm 2008. Đây được xem là trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Sau khi đi vào hoạt động, Làng tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2010; và danh hiệu vườn thực vật nổi tiếng Pháp năm 2016. 

Giáo sư Jacques Gurgand (tên thân mật là Jacky), người Pháp, là một trong những chuyên gia đầu ngành về rừng và quản lý nước. Ông thường xuyên sang Việt Nam và tham gia các chuyến đi thực địa khảo sát, sưu tầm các mẫu tre của Việt Nam. TS Diệp Thị Mỹ Hạnh cho biết Giáo sư Jacky là một trong những người giúp Làng tre hình thành. “Nhờ thầy, chúng tôi đã làm quen với nhiều đối tác của Pháp. Thầy giúp chúng tôi cật lực, tận tình, vô tư, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và nghiên cứu khoa học – ứng dụng của tre trong đời sống, bảo vệ sinh thái môi trường. Chính thầy đã thiết kế giúp chúng tôi hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và định danh chính xác các loại tre bằng tiếng Latin. Công việc này rất quan trọng. Muốn góp phần vào làng tre thế giới, chúng ta không thể cứ nói chung chung theo cách: Chúng tôi có vầu, tre mỡ, tre gai, tầm vông… mà phải gọi chính xác bằng tên khoa học”, TS. Mỹ Hạnh nói.

TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh (áo dài tím) cùng các đại biểu dâng nến tưởng nhớ GS. Jacques

Làng tre Phú An là nơi sưu tầm, bảo tồn và nghiên cứu phát triển nguồn GEN tre Việt Nam, đưa danh lục tre Việt Nam vào danh lục tre thế giới và nghiên cứu ứng dụng để tạo những vật liệu thân thiện môi trường từ tre cho kiến trúc xanh, qua những chương trình nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM và các chương trình hợp tác với Pháp như MIRA, SEP, SEP2D, đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân. Đặc biệt, làng tre Phú An đã giáo dục cho hơn 60.000 trẻ con về kỹ năng sống, yêu mến thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tháng 9/2022, Làng Tre Phú An vinh dự được Hội tre Thế giới chọn là nơi tổ chức Hội thảo Tre thế giới lần thứ tư.