Nghiên cứu thành công que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi  

Nghiên cứu thành công que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi   

Là kết quả của nhóm nghiên cứu Y Sinh học GMIF đến từ Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM do PGS.TS Trần Văn Hiếu chủ trì. Đây là đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ có mã số 19/2018/HĐ-KHCN-TNB.ĐT/14-19/C31.

Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là bệnh nguy hiểm trên tôm với tỷ lệ chết lên đến 100%, gây ra bởi Vibrio parahaemolyticus mang plasmid mã hóa hai độc tố ToxA, ToxB. Ở Việt Nam, AHPND là bệnh gây thiệt hại lớn nhất đối với ngành nuôi tôm. Hiện nay, các phương pháp phát hiện AHPND chưa đáp ứng được nhu cầu chẩn đoán nhanh tại thực địa. Việc chẩn đoán sớm từ thực địa (ao nuôi) giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời bệnh, góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của hộ nông dân cũng như địa phương sở tại. Phương pháp que thử miễn dịch dựa trên tương tác kháng nguyên – kháng thể có tiềm năng lớn nhưng chưa được phát triển.

Nghiên cứu đã thu thập thông tin và đánh giá toàn diện thực trạng bệnh AHPND trên 8 tỉnh nuôi tôm lớn của đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu đã phân lập được hơn 120 chủng. Các chủng này lần lượt được giải trình tự và phân tích đặc điểm di truyền để cung cấp thông tin toàn diện về cơ chế gây bệnh và khả năng lây truyền. Trình tự mã hóa gen độc tố của các chủng đã lần lượt được công bố trên Ngân hàng Gen, Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ.

 

Thông tin mã hóa gen toxA của chủng LA1 được đăng trên NCBI

 

Một số thí nghiệm đã được nhóm tiến hành trong phòng thí nghiệm

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Hiếu cũng tiến hành khảo sát các thành phần của que thử và sản xuất được hơn 700 que thử. Các que thử đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng IV đánh giá có độ đặc hiệu 98 % và độ nhạy 94 % (cao hơn so với đăng ký ban đầu của nhóm là chỉ khoảng 80-90%).

Máy phun kháng thể lên màng que thử (trái) và hơn 700 que thử đã được sản xuất (phải)

Đề tài của nhóm nghiên cứu đã công bố được năm bài báo thuộc danh mục ISI lần lượt từ Q1-Q4, hai bài báo thuộc tạp chí trong nước. Đồng thời, đề tài cũng đã đào tạo được bốn thạc sĩ, góp phần đào tạo một tiến sĩ, và có hai sáng chế đã nhận đơn.

Đề tài sẽ tiếp tục triển khai pha đánh giá hiệu quả của que thử ở quy mô lớn hơn đồng thời triển khai sản xuất thử có sự phối hợp với doanh nghiệp KHCN từ địa phương. Để có thể chuyển giao được cho nông dân có thể sử dụng cần phải thử nghiệm thực địa tại ao nuôi tôm, bổ sung phần tài liệu hướng dẫn sử dụng que thử, cách lấy mẫu tôm, các bước chuẩn bị mẫu, cách đo v.v..

PGS.TS. Trần Văn Hiếu cùng nhóm nghiên cứu tập huấn sử dụng que thử cho địa phương

Que thử do nhóm của PGS.TS. Trần Văn Hiếu tạo ra góp phần giải quyết bài toán kiểm soát sớm dịch bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do V. parahaemolyticus. Hiện nay, do chưa có bất kì sản phẩm que thử nào cho bệnh AHPND do V. parahaemolyticus gây ra cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam nên có thể thấy được hiệu quả kinh tế – xã hội vô cùng to lớn của kết quả đề tài mang lại cho các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tin HCMUS.