Kỷ niệm chiến trường: GIÁP MẶT VỚI CÁI CHẾT

Kỷ niệm chiến trường: GIÁP MẶT VỚI CÁI CHẾT

GIÁP MẶT VỚI TỬ THẦN

Nhữ Đình Ngoạn (Họa sĩ Nhím)

Chụp chung với các bạn cùng lớp trước khi gia nhập quân đội, cầm súng ra chiến trường.

Trong đời lính thời chiến tranh, đã vài lần tôi giáp mặt với tử thần…

 

  1. Lần đầu tiên chết hụt, năm 1973.

Sau Hiệp định Paris 1973, theo thỏa thuận Mỹ phải rút quân khỏi VN, còn quân đội 2 bên (quân Giải phóng và quân SG) thì cắm cờ ở đâu đóng quân ở đấy… Chiến dịch cắm cờ giữ đất này mang mật danh là “Chiến dịch bảo vệ mùa màng“… Hai bên giữ đất theo thế cài răng lược … Đơn vị tôi đóng quân ở Tây Ninh (bên kia núi Bà Đen).

Một buổi tối, tôi được đơn vị cử đi công tác. Nhóm đi có 2 người, tôi là lính mới vào chiến trường, còn trẻ măng, đi kèm cùng một đồng đội có kinh nghiệm. Chúng tôi băng ngang một khu rừng rậm, đi cách nhau 5-6m. Trên người chỉ có súng đạn, quần xà lỏn, dép cao su. Bầu trời trong rừng qua các tàng cây chỉ mờ mờ sáng ánh sao. … Đang đi, bất chợt … “phập” một cái, tôi thấy nhói đau ở ngón chân thứ hai bên phải (chân đi dép lốp cao su thòi ngón chân ra ngoài) và một cái đuôi nhớt nhát cuốn quàng vào cổ chân. Theo phản xạ, tôi đá mạnh chân, … một tiếng “xoạt” văng vào bụi rậm … Tôi thầm nghĩ “Thôi chết ! Bị rắn cắn rồi”… Rắn rừng thì con nào cũng độc hết. Nhớ lại các bài viết chữa rắn cắn, tôi bước lui 3 bước, ngồi thụp xuống, quờ tay vơ đại nắm cây cỏ gần đó bỏ vào miệng nhai, lấy bã đắp vào chỗ bị cắn (cứ làm vậy theo phản xạ chứ chẳng biết có tác dụng gì không)…

Anh bạn đi sau chạy lên hỏi “Gì vậy ?” – “Em bị rắn cắn rồi ! ”. Người đồng đội giúp tôi xé cái lai quần cột ga-rô trên cổ chân (để ngăn nọc truyền lên). Anh bàn với tôi “Bây giờ ở giữa rừng thế này không có thuốc chữa, chậm là chết. Đằng nào cũng vậy, thôi đưa súng đạn cho tao, mày cố chạy ra khỏi rừng tìm nơi cứu chữaMay nhanh thì sống”

Thế là tôi cố sức chạy. Cái cảm giác nọc độc chạy chầm chập trong chân mình rất rõ rệt. Một cảm giác lạ rần rật trong mạch máu …Khi nó chạy lên đùi, tôi cảm giác mình sắp chết đến nơi. Trong đầu nghĩ: “Nó mà lên tim thì làm sao cứu được !”…

Tôi vừa chạy vừa ứa nước mắt, nghĩ thầm trong đầu: “Sao lại chết lúc này… Bố mẹ ơi, ở nhà có bíết con sắp chết ở một khu rừng xa xôi này không? Chết lúc này sao vô nghĩa quá. Một thằng con trai mới 17 tuổi, chưa biết yêu, chưa ra chiến trận, không chết vì súng đạn mà lại chết vì một con rắn. Nhục ơi là nhục !!! ”…

Cứ thế mà cắm đầu chạy. Cái chân dần sưng tấy lên, cứng nhắc. Nhưng phải cố chạy đua với cái chết thôi… Cũng may, khi ra đến cửa rừng thấy một ánh đèn dầu le lói của một cái lán… Đó là cái lán của các anh biên phòng chốt vùng giáp ranh giữa 2 bên, vừa tăng gia sản xuất, vừa ở để canh thú rừng phá hoại.

Tôi ngã khuỵu trước ngõ và la to “Cứu em với !!! ”. Có hai anh chạy ra cõng vào lán, khi biết sự tình và xem xét vết thương, các anh lấy dây thun (cắt từ ruột xe) băng ga-rô vào đùi cho tôi và thay phiên cõng tôi đến trạm xá của đơn vị các anh gần đó. Cũng rất may là trạm xá còn thuốc chống nọc độc. Sau khi chích cho tôi vài mũi chống nọc độc và uống thuốc, trạm xá cho tôi nằm lại điều trị…

Không biết tin tức truyền thế nào mà đến đơn vị tôi là: “Thằng N. bị rắn cắn chết đêm qua rồi, đơn vị cử người ra nhận xác”. Các anh trong đơn vị sững sờ. “Mới tối qua nó còn ngồi với tụi tao trước khi đi mà ! ”. Các anh rất thương tôi vì 1 cậu bé em út của đơn vị vừa từ ngoài Bắc bổ sung vào, còn trắng trẻo thư sinh và ngây thơ lắm (đương nhiên là đẹp trai hơn mấy anh sốt rét rừng kinh niên …). Anh Võ Đình Hảo vừa khóc vừa chạy mấy cây số đường rừng ra tận nơi (anh Hảo bây giờ đã về hưu, hiện làm bảo vệ cho 1 công ty ở Quang Trung). Khi anh thò đầu vào lán, thấy tôi đang nằm, nhìn thấy anh tôi nhoẻn cười chào… Anh thở hắt ra, nói ”Vậy mà thằng nào ác ôn độc miệng đồn mày chết rồi ”…

Sau khi chữa trị, nọc độc dồn ra chỗ vết cắn như một trái nho chín mọng đen thui. Cũng may trước khi vào Nam chiến đấu, mẹ tôi mua cho một số thuốc chống độc để phòng thân, nên điều trị vết thương cũng lành dần, ngón chân khuyết 1 góc …

Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt với cái chết… Và đã trở về bình an. Bây giờ, thỉnh thoảng anh em đơn vị cũ gặp nhau, tôi vẫn gặp lại anh Hảo. Anh không phải là người cứu mạng tôi, nhưng tôi cứ nhớ mãi tình cảm anh dành cho tôi ngày ấy. Đúng là khi ta gặp hoạn nạn mới càng thấy rõ tình cảm đồng đội với nhau…

hội ngộ anh Võ Đình Hảo trong dịp họp mặt truyền thống Sư đoàn 5

 

  1. Lần đầu ra trận ….

Trước khi tham gia các trận đánh ở miền Tây Nam Bộ, việc đầu tiên của chúng tôi là tập … chèo xuồng. Xuống miền sông nước mà không biết bơi, hoặc chèo xuồng là …thua. Chúng tôi tập chèo xuồng, chống xuồng ở Ba Thu (nhìn trên bản đồ ở vùng Tây Ninh, cái mỏ nhô ra giáp ranh Cambodia). Lần đầu chèo xuồng, xuồng cứ quay vòng vòng. Quạt mái chèo hai bên thì xuồng đi hình chữ chi rồng rắn như say rượu. Còn chống xuồng thì cái sào cắm chặt xuống bùn, xuồng đi … người ở lại. Mỗi lần rơi xuống nước, leo trở lại xuồng là lo … ngồi gỡ đỉa. Đỉa ở Ba Thu to như ngón tay cái, rất nhiều, ngồi trên xuồng thấy chúng bơi lội tung tăng dày đặc dưới nước…

Sau một tuần tập luyện thì chúng tôi bơi xuồng thành thạo chẳng khác dân miền Tây. Khi quạt mái chèo xuống nước, xoay cổ tay móc nhẹ dưới bụng xuồng như cái bánh lái, là con xuồng chạy thẳng băng. Chống xuồng cũng chỉ cần cắm nhẹ, vừa đẩy vừa rút nhẹ sào là cái xuồng chạy ngon ơ. (Bây giờ ngồi xem phim VN, thấy mấy anh bộ đội-diễn viên chèo xuồng quạt mái chèo hai bên, xuồng đi uốn lượn kiểu rồng rắn, lại thấy buồn cười).

Bắt đầu hành quân xuống Kiến Tường chiến đấu (nay là Đồng Tháp). Trời nhập nhoạng bắt đầu hành quân (vì ban ngày dễ bị máy bay phát hiện). Mỗi người đeo hơn 30 kg: gạo, vũ khí, đạn dược. Lính bộ binh chỉ hành quân bộ. Xuồng chỉ dành cho hậu cần và cán bộ chỉ huy cao cấp. Chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Buổi tối trời đen thui, chẳng thấy bờ sông, chỉ nghe sóng vỗ ì oạp. Cởi hết đồ bọc vào cái bồng may bằng tăng nhựa dán kín, bên trong bọc mấy lớp nylon để khi thả xuống nước nổi như cái phao. Cột chặt cổ bồng và hai góc đáy, đeo như ba lô. Hầu như là lính tráng khỏa thân tồng ngồng hết, vì giữ quần áo khô để sang sông mặc. Đơn vị chiến đấu cũng chẳng có nữ, việc gì mà mắc cỡ. Gác súng ngang bồng, chúng tôi bơi qua sông. Từng tốp 3 người trông chừng nhau, người bơi giỏi kèm người bơi yếu. Khi gặp sự cố tuyệt đối không được kêu to, vì bị lộ là pháo dập tới ngay, thương vong rất lớn. Trên bờ sông cứ cách khoảng 1km lại có bốt gác của lính SG. Ban đêm, tiếng động vang xa nghe rất rõ. Thực tế có người (do chủ quan làm bồng không kín bị lọt nước, hoặc cột dây không chặt, ra giữa sông bị sóng đánh bung phao), bơi đuối quá đã âm thầm chìm vào dòng sông, không hề kêu cứu, để bảo vệ bí mật cho cả đơn vị. Qua sông kiểm lại người thấy thiếu mới biết vừa mất đi một người đồng đội (mặc dù 3 người bơi gần nhau, nhưng ban đêm bơi giữa sông, rất khó quan sát để cứu kịp thời) … Ban ngày trú tạm trong các lùm cây, ban đêm hành quân tiếp …

Trở lại thăm chiến trường xưa. Ngã ba Tuyên Nhơn (Kiến Tường cũ) nay đã thay đổi nhiều. Những đồng đội đã gửi lại một phần thân thể tại chiến trường

Lần đầu tiên tôi được biết đến Đồng Tháp Mười …

Một cánh đồng cỏ nhìn ngút tầm mắt như bất tận. Có cảm giác như đứng trên con tàu giữa biển khơi nhìn ra bốn hướng mênh mông. Mặt trời đã khuất bóng chiếu hắt lên bầu trời những tia nắng như những rẻ quạt màu vàng cam sẫm. Vân mây nhuốm màu hồng, cam, tím tuyệt đẹp. Cỏ lăn, cỏ lác cao ngang tầm đầu người, nước ngập ngang bụng. Từng đoàn người súng vác trên vai lội nước vẹt cỏ mà đi… Tôi còn nhớ mãi khung cảnh hùng vĩ này, định bụng sau này sẽ vẽ một bức tranh sơn dầu hoặc tranh sơn mài thật lớn về cái hình ảnh hành quân trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp mà tôi được chứng kiến …

Trời sụp tối rất nhanh, chỉ còn nhìn thấy khoảng 20 mét xung quanh. Phải bám đuôi nhau thật sát mới không bị lạc lối giữa đồng nước mênh mông này. Chỉ cần tụt tạt lại một chút, đoàn người đi mất hút là không thể tăng tốc theo nổi, và không biết đi hướng nào nữa (trời tối, cỏ che cao kín lối đi). Mệt mỏi mấy cũng phải cố lội. Thỉnh thoảng bước ngang vài bước, vục tay chỗ nước trong để tấp lên mặt cho tỉnh táo, rồi lại nối tiếp đoàn quân. Đôi lúc hụt chân xuống một cái hố, lập tức cái bồng nổi như cái phao trên lưng, quẫy đạp vài cái đến khi bàn chân tiếp đất bên kia hố. Tới chỗ được nghỉ giải lao, nước vẫn ngập ngang bụng, không ngồi nghỉ được nên đành cúi lom khom cho cái bồng nằm gọn trên lưng, thả lỏng quai để nhẹ 2 cái vai. Súng ống thì quẹt ngang một cái là cỏ rạp xuống, để súng nằm trên cỏ … Hết 15 phút nghỉ rồi lại đi….Chẳng còn gì là lãng mạn, chỉ còn biết đi như một cái máy…

Khi ở đường chân trời lờ mờ hiện lên một bóng cây nào đó, lòng lại khấp khởi mừng, chắc là sẽ được nghỉ ngơi (vì có cây là có mô đất khô ráo). Càng gần đến càng mừng. Tự động viên mình “cố lên, cố lên, chỉ còn vài trăm mét nữa thôi”… Thế nhưng đoàn quân vẫn đi, lại mênh mông đất trời, người xì xuống như quả bóng hết hơi, lại đi lầm lũi … Cứ thế trong đêm bao lần hy vọng, bấy nhiêu lần thất vọng. Vì từng chặng đường đi phải tính toán kỹ, sao cho tới nơi tập kết quy định trước khi trời mờ sáng…

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những cảm xúc ấy. Và không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được những đêm như thế. Bây giờ có cá vài chục cây vàng cũng không thể thực hiện lại nổi …

Khi tiếp cận mục tiêu thì trời đã mờ sáng. Ăn tạm thanh lương khô mang theo. Khu vực này có căn cứ Chi khu 75, thuộc huyện Tuyên Nhơn, Tỉnh Kiến Tường (cũ). Đây là trận đánh đầu tiên kể từ khi tôi vào chiến trường. Vô cùng hồi hộp

Bộc phá mở rào nổ. Lệnh xung phong ! Tôi nhớ lại các bài tập luyện trên thao trường, nhớ lại các cuộc chiến đấu trên phim ảnh Liên Xô được xem hồi bé, người lính ào ào đạp dây kẽm gai xung phong, trông thật … hoành tráng và oai hùng. Tôi cũng kẹp nách khẩu súng AK lao nhanh lên phía trước. Bóng vài tên địch thấp thoáng chạy xa xa, tôi điểm xạ đúng bài bản 2 viên một, nhưng cũng chẳng biết có trúng ai không nữa… Chợt có một cảm giác hơi là lạ, liếc xung quanh, sao chẳng thấy ai chạy cùng mình. Tính đứng lại xem sao thì nghe tiếng thét phía sau: “Chạy tiếp đi !”. Yên tâm có đồng đội ở gần mình, tôi tiếp tục xung phong lên phía trước …

Nghe tiếng hô tiểu đội trưởng: ”Đứng lại, N.” tôi dừng lại. Anh chạy đến mặt tái mét, quát : ”Mày chạy đi đâu vậy hả? ” – Tôi đáp:” Dạ, em … xung phong theo lệnh mà ! ”. Anh ta quát: “Mày nhìn lại sau lưng mày coi !”…

Tôi ngoái lại phía sau… Trời đất quỷ thần thiên địa ơi… Ông bà, cha mẹ, anh chị em ơi… Mồ hôi tôi toát ra như tắm, một luồng điện lạnh toát sống lưng …

Tôi vừa mới thoát chết trong gang tấc… Tôi vừa chạy qua một bãi mìn.

Một vài tấm biển nhỏ bằng nửa bàn tay màu xanh đậm cắm thấp lẫn trong cỏ ghi chữ “mine” và dấu hiệu “đầu lâu 2 xương chéo”.

Thì ra trong lúc mường tượng cách xung phong như trong phim ảnh, tôi chạy mà đâu có quan sát. Ở thao trường cũng đâu có dạy về bãi mìn như thế này…

Tiểu đội trưởng đã hoàn hồn mới nói “ Hồi nãy tao thấy mày chạy mà kêu không có kịp. Đến lúc vào bãi mìn rồi mày định dừng lại tao hô mày chạy tiếp, may mắn thì thoát. Chứ mày đứng lại giữa bãi mìn, hoảng hốt rối trí thì có khi lại bị “dính” mìn. May cho mày đấy! ”.

Vâng, chỉ có may mắn mới cứu đời tôi.

Sau này bà ngoại tôi nói khi tôi đi bộ đội, tối nào bà cũng tụng kinh cầu nguyện hương hồn ông ngoại linh thiêng phù hộ độ trì cho cháu trai cưng. Cám ơn ông ngoại đã hóa giải bãi mìn giúp tôi. Để cuộc đời không mất đi một hoạ sĩ biếm. Để bây giờ tôi có thể ngồi viết lại câu chuyện này.

Có thể nói trong chiến tranh, đó là sự may mắn. Không ai có thể biết ngày mai, hoặc ngay sau đó mình sẽ ra sao. Chính vì vậy, tình đồng đội thương nhau hơn cả anh em ruột. Tình đồng đội là một từ thiêng liêng và cao cả đối với tất cả những ai đã trải qua đời lính chiến.

Tại khúc sông này, anh bạn đồng đội bỏ lại khẩu 12ly8.

Năm ấy xe M113 rượt đuổi bắn chúng tôi trong trận đánh ở Đức Hòa- Đức Huệ 1974. Lính bộ binh với vũ khí cá nhân không thể chống cự với xe tăng, xe bọc thép… Chúng tôi chạy như vịt trên đồng, xe M113 quây đuổi phía sau… tiếng đạn đại liên nổ trên đầu “choác … choác …”. Chúng tôi bảo nhau chạy tản ra mỗi đứa một hướng tránh chạy tập trung để hạn chế thương vong.

Lội qua con sông Long Khốt này sang bên kia là đất Cambodia. Khẩu 12ly8 đành phải bỏ lại dưới sông vì quá nặng và không để rơi vào tay địch. Hơn 40 năm rồi, liệu khẩu súng dưới sông có còn không …

Xe bọc thép M113

 

  1. Trúng bom

Trận ấy xảy ra tại Đức Hòa-Đức Huệ (Long An) bây giờ…

Sáng hôm ấy địch bao vây và chúng tôi chống trả quyết liệt. Khỏang 10g sáng, tiếng súng thưa dần và vòng vây giãn ra. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng sẽ lui ra gọi pháo bắn hoặc kêu máy bay thả bom “dầm nát” chúng tôi.

Quả nhiên 10 phút sau, chiếc “chuồn chuồn” OV.10 bay vòng vòng thám thính rồi bắn xuống trận địa của chúng tôi 1 trái đạn khói màu làm điểm. Phía chân trời đã ầm ì vọng lại tiếng máy bay phản lực.

“Tất cả xuống hầm coi chừng chúng ném bom”.

Công sự hình chữ Z của tôi có 5 người. 3 người xuống trước, còn tôi và một đồng đội khác ngồi trên miệng công sự quan sát. Phút chốc, bầu trời như bị xé tọac bởi tiếng gầm rú của đám máy bay phản lực. Chúng bay vòng rồi bắt đầu lao xuống cắt bom vào điểm khói màu…

Một chiếc F.105E bổ nhào về phía tôi. Hai trái bom tròn như 2 trái ổi đen thùi lùi tách khỏi máy bay phóng xuống… Tôi đã vài lần bị chịu đựng các trận bom, nhưng chỉ bị gần gần thôi. Kinh nghiệm chiến trường cho thấy, nếu nhìn thấy trái bom dài như trái dưa, thì bom sẽ bay qua đầu mình. Còn nhìn trái bom tròn xoe như thế này là nó sẽ rơi ngay chỗ mình.

Loại máy bay F.105E đã thả 2 quả bom lên đầu chúng tôi hôm ấy.

 

“Bom đấy ! Ngồi chống bom !”… Tôi la to và cùng người bạn nhảy ào xuống công sự.

Ngồi chống bom là kiểu tư thế ngồi xổm, bó gối, úp mặt xuống, hai tay vòng khóa nhau ôm đầu. Kiểu ngồi này, nếu chẳng may bị đất vùi thì vẫn có chỗ trống để thở tạm trong thời gian bị lấp.

Chúng tôi không nghe thấy tiếng nổ. Chỉ thấy mặt đất rùng rùng, không gian như chao nghiêng. Thân thể như nhẹ bỗng, bay lơ lửng. Ngực bị ép mạnh, máu mồm máu mũi trào ra, rồi một bóng tối bao trùm ụp xuống …Chúng tôi bị ép chặt trong hầm … như một hộp cá mòi…..

Khi tôi mở mắt ra thì đã thấy đồng đội bao quanh mừng rỡ. Đồng đội đã kịp thời đào bới chúng tôi lên từ cái công sự bị vùi lấp. Tôi nhìn quanh, bàng hòang …

Trước khi bị bom, công sự của chúng tôi nằm gần mấy bụi chuối và cây cối … Bây giờ cảnh vật đã tan hoang như bình địa. Cây cối bị lật ngửa gốc rễ, họăc chặt ngọt như một nhát dao sắc vừa chém ngang thân…Thân cây còn ứa dòng nhựa như dòng máu.

Công sự của chúng tôi nằm giữa 2 hố bom sâu hoắm, đường kính mỗi hố khỏang 10m. Tâm hố bom gần nhất cách căn hầm của tôi khỏang 5-6m, miệng hố bom vừa chớm tới miệng hầm.

Cha mẹ ơi, Tổ Quốc ơi,… Nếu như quả bom này bay lệch lên thêm 4-5m nữa, là nó thổi bay căn hầm của chúng tôi đi rồi. Căn hầm bị sức ép ép chặt lại, không còn nhận ra nữa…

Lại một lần may mắn thóat chết. Bom nổ quá gần nên sau đó anh em chúng tôi bị tức ngực vài tháng, có khi ho ra máu. Tai bị ù như người điếc. Cũng may là nó tự khỏi.

Cứ tưởng tượng nếu trái bom nó “bứng” mình đi như thế nào … Chắc là “lãng mạn” lắm.

 

  1. “Dàn nhạc Tân Tây Lan”

Có lẽ trên thế giới này không ai đánh nhau kiểu nhà giàu bằng cái anh Mẽo. Gây chiến tranh ở đâu là cứ ào ào đổ vũ khí đạn dược vào như cái thùng không đáy.

Trong khi mấy anh Việt Cộng nhà mình bắn dè sẻn từng viên đạn, mới đẻ ra cái chiêu bắn điểm xạ, nghĩa là để súng AK ở nấc bắn liên thanh, nhưng tập luyện làm sao cho mỗi lần nghoéo ngón tay là ra đúng 2 viên thôi. Theo nguyên lý sức giật phản lực thì mỗi lần bắn nòng súng sẽ giật lên 1 chút và viên thứ 3 sẽ bị bắn lên trời, là lãng phí đạn. Tiếc từng viên đạn nhỏ vậy đó. Đó là mồ hôi xương máu của nhân dân đóng góp mà.

Còn mấy anh Mẽo thì bắn cứ gọi là bắn là nguyên băng, súng M.16 nhấn cò cái rẹt là đi 1 băng (mà có khi chẳng trúng đích). Máy bay dội bom ở đâu là cũng chơi cả chùm…

Mấy anh lính chư hầu của Mẽo tham chiến tại VN : Đại Hàn, Tân Tây Lan,… cũng nhiễm cái tính công tử giàu sang hoang phí thế. Câu chuyện mà tôi kể dưới đây là về dàn đại bác của tụi lính Tân Tây Lan. Đây là những trận địa pháo 105mm và 155mm gồm mười mấy khẩu một cụm.

 

Dàn pháo 105 mm 

 

Pháo 155 mm

 

“Dàn nhạc Tân Tây Lan”

 

Ngòai việc bắn phá các địa điểm trong vùng giải phóng và các khu vực nghi vấn có Việt Cộng, chúng thường canh sẵn một số tọa độ mà cho là Việt Cộng nhà ta hay qua lại, thỉnh thỏang bắn dồn dập chừng 30-45 phút không dứt, chẳng cần biết lúc ấy có người ở đó hay không? Anh em chiến sĩ quân giải phóng thường gọi đùa là “Dàn nhạc Tân Tây Lan” đang biểu diễn. Sau này chết tên gọi, bất cứ dàn pháo nào bắn kiểu đó cũng gọi là Dàn nhạc Tân Tây Lan luôn.

Hôm đó tôi đang trên đường đi công tác, giữa đồng không mông quạnh, đang tìm phương hướng thì không biết lớ ngớ thế nào mình lại đứng ngay cái tọa độ chết mà “dàn nhạc” đã canh sẵn. Bắt đầu nghe tiếng pháo đề-pa phía xa: “kuum”, “kuum”, “kuum”… là vài giây sau nghe …“xọet” … “đòang” những tiếng nổ chát chúa cách chỗ đang đứng vài chục mét. (Kinh nghiệm chiến trường là nghe tiếng đạn bay như tiếng húyt gió thì nó bay qua đầu rồi, không sao. Hồi ở rừng ngủ võng, say sưa thế nào không biết chứ cứ nghe đạn pháo rít là lập tức mọi người lật sấp rơi xuống đất, hai tay hai chân chống xuống như tập hít đất, rồi nhào ngay xuống hầm trú ẩn, thành một phản xạ tự nhiên trong lúc 2 mắt vẫn còn nhắm tít.).

Biết là bị “lọt ổ pháo” rồi, lập tức tôi nằm sấp ngay xuống đất. Liếc xung quanh, thấy có khu đất trũng như ổ gà (sao lúc này mong có mấy cái ổ gà ổ voi thế không biết), lập tức trườn ngay đến, tòan thân ép sát xuống đất như một con thằn lằn, tránh nhô cao để hạn chế thương vong. Ngay cả cái đầu cũng phải nghiêng một bên cho nó “mỏng” bớt độ cao.

Bắt đầu là các tiếng đề-pa liên tục “kuum…kuum…kuum…” phía chân trời (nghe như “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”) và tiếng rít chói tai của những trái đạn pháo như một bầy sói lao tới. Tiếng nổ chát chúa liên tiếp như xé tọac màng nhĩ, mảnh đạn văng vù vù như đàn ong đang bay gần. Liếc xung quanh thấy không chỗ nào thấp hơn nữa, tôi chỉ còn biết nằm tại chỗ mà cầu khẩn; “Lạy Trời ! Lạy Trời ! trái tới đừng rớt … trúng lưng con… Lại trái nữa này… Lại trái tiếp nữa này… Đừng trái nào trúng nhé …”

Thỉnh thỏang lại nghe một tiếng “keng”. Một mảnh đạn va vào cái xẻng buộc ngang cái bồng đeo trên lưng. Hên là cái xẻng cao hơn cái đầu. “Sao nó cứ bắn hòai dai như đỉa thế này. Lạy Trời cho nó …hết đạn đi cho rồi”.

Thời gian kéo dài như một cực hình. Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Cho đến khi tiếng nổ cuối cùng chấm dứt, tôi lập tức vùng dậy cắm đầu cắm cổ chạy tốc độ ra khỏi “tọa độ chết”, vì chẳng biết khi nào nó hứng lên lại bắn tiếp.

Hú hồn hú vía. Không có trái nào trúng lưng.

Một điều may mắn đặc biệt là bữa đó nó không bắn PHÁO CHỤP. Pháo chụp là lọai đạn pháo nổ lần hai trên không trung, tất cả miểng pháo chụp xuống đất như một cái nơm cá. Lọai này dùng để sát thương lính bộ binh nằm trên mặt đất, không có hầm trú ẩn, có mà chạy đằng trời. Bữa đó không có thằng pháo binh nào vô duyên nhớ ra, chứ mà nó bắn vài trái pháo chụp thì … đời tôi tiêu rồi.

Lại một lần may mắn bị Thần Chết … vồ hụt.

Bây giờ đi coi bắn pháo hoa, nghe tiếng nổ lụp bụp lụp bụp trên trời, từng trái pháo nổ bung ra, tôi lại nhớ cái cảm giác lạnh lưng lần ấy….

………………….

Tôi đã vài lần gặp may mắn thoát chết.

Nhưng tiểu đội trưởng của tôi thì không may mắn. Anh tên Phong, người Hải Dương, vào Nam chiến đấu trước tôi 2 năm. Anh có khuôn mặt rất đàn ông, trắng trẻo, đẹp trai.

Trong 1 lần đi công tác tháng 3/1975, nhóm tôi gồm 5 người đi một hàng dọc. Tôi đi đầu (vì tôi có thể định vị hướng đi trong đêm và trí nhớ tốt), anh Phong đi kế tiếp và những người còn lại đi sau. Trăng sáng mờ mờ, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện khe khẽ vì chưa đến vùng nguy hiểm… Bất chợt, một tiếng carbin (loại súng cổ lỗ chỉ có lính địa phương quân của SG sử dụng, lính chính quy không thèm xài mà thường dùng M.16) nổ “đọp”. Chúng tôi đã vô tình bị lọt vào ổ phục kích. Triển khai đánh trả thì tụi địch rút chạy. Quay lại thấy anh Phong bị đạn trúng ngực, anh thều thào “Đau quá, chắc tao chết mất ! ” Đồng đội băng bó cho anh nhưng… 10 phút sau thì anh tắt thở. Chúng tôi chôn anh trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Một lần nữa tôi may mắn không trúng đạn vì tôi là người đi đầu (không biết hướng nào bắn tới). Cái chết đã tránh tôi, nhưng lại ập lên đầu người đồng đội của tôi…

Một may mắn không được vui…

Gần 2 tháng sau, đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Nhưng đó cũng không phải những nguời chiến sĩ cuối cùng hy sinh vì đất nước.

Năm 1978, bè lũ Pol Pot gây chiến tranh biên giới phía Nam. Năm 1979, bè lũ bành trướng bá quyền Bắc Kinh tiếp tục xua quân xâm lược biên giới phía Bắc….

Viếng thăm các đồng đội đã hy sinh tại Đức Hòa – Đức Huệ

 

Viếng đồng đội hy sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang

 

(*Nhữ Đình Ngoạn, Hội CCB Trường Đại học Khoa học tự nhiên)